Gạo ST 25 – Hành trình 24 năm từ một khám phá tình cờ

Gạo ST 25 - hành trình trở thành gạo ngon nhất thế giới

Trong những ngày cuối năm 2019, người dân Sóc Trăng vui mừng với việc hạt gạo ST 25 do nhóm nhà khoa học của tỉnh lai tạo, phát triển đã được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới 2019” tại Hội nghị Thương mại Gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila (Philippines).

Thành công hạt gạo Việt vươn đến đỉnh cao thế giới là sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cùng sự mài nghiên cứu lai tạo của các nhà khoa học. Tuy nhiên, đằng sau thành công ấy còn là một hành trình để giữ vững thương hiệu, bảo vệ nguồn giống lúa quý giá sau hơn 25 năm tìm tòi, lao động…

Hành trình của những hạt gạo mang thương hiệu ST

ST là tên viết tắt của chữ Sóc Trăng. Trước khi có giống lúa ST25 ra đời thì hàng chục năm trước, nông dân cả nước đã biết đến những giống lúa ST3, ST5, ST10, ST19, ST20…

Những dòng ST cứ thế nối tiếp nhau ra đời là một câu chuyện dài của kỹ sư, anh hùng Lao động Hồ Quang Cua, người con của quê hương Sóc Trăng cùng các cộng sự tích cực là tiến sỹ Trần Tấn Phương, thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hương đã không quản ngày đêm miệt mài sáng tạo, lao động.

Theo ông Hồ Quang Cua, dòng lúa thơm ST đầu tiên ra đời từ sự tình cờ sau chuyến thăm đồng vào một buổi sáng mùa Đông năm 1996 khi đang ngắm nghía những hạt lúa no tròn trên thửa ruộng.

Ông phát hiện có những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp. Lội ngay xuống ruộng, mân mê những bông lúa lạ, mắt ông sáng lên như người tìm được vật quý bởi đó là những cá thể đột biến đầu tiên.

Từ đây, một công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời.

Từ sự phát hiện tình cờ ấy, trên 1.000 cá thể đột biến đầu tiên được ông Cua thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất.

Công việc lai tạo không hề đơn giản vì thiếu nhiều trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ, nhất là tiêu chuẩn về giống lúa thơm của Việt Nam lúc này vẫn chưa có.

“Dòng lúa thơm ST đầu tiên ra đời từ sự tình cờ sau chuyến thăm đồng vào một buổi sáng mùa đông năm 1996.”

Ông cho biết: “Lúc mới bước vào lai tạo, thiếu nhiều thứ lắm, nhưng cái gì tự chế được thì mình chế, cái gì chưa có thì “mượn tạm” của người khác. Trong tạo giống lúa, nếu thiếu các tiêu chí về giống cũng như người đi biển thiếu la bàn. Bởi vậy chúng tôi “mượn tạm” tiêu chí lúa thơm BE. 2541 của Thái Lan để thực hiện.”

Sau này một cộng sự của ông Cua là tiến sỹ Trần Tấn Phương (nay là Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Sóc Trăng) phát minh ra phương pháp đánh giá mùi thơm rất nhanh chóng và hiệu quả.

Thông qua tiêu chí mùi thơm, ông Cua cùng các cộng sự loại được những giống lúa không đạt chuẩn nhanh hơn, thuận lợi cho lai tạo giống lúa thơm những dòng tiếp theo.

Giống lúa thơm ST kháng bệnh tốt, cho năng suất cao

Những giống lúa thơm ST được lai tạo cho năng suất cao, có tính chống chịu ngoại cảnh khá tốt so với những giống lúa đang trồng phổ biến. Đặc biệt, lúa thích hợp với vùng đất lúa-tôm như cứng cây, thẳng, kháng bệnh, không cần bón phân nhiều, năng suất cao có thể đạt 6 tấn/ha, giá bán cao, chịu mặn, thích nghi tốt với biến đổi khí hậu…

Tuy là giống lúa thơm, nhưng giống ST24, ST25 lại khá ngắn ngày, trung bình 95-100 ngày, trong khi lúa thơm Thái là dạng lúa mùa dài ngày hơn mà năng suất chỉ đạt trung bình 1,7 tấn/ha. Nên canh tác một năm hai vụ, sản lượng lúa thơm ST của Việt Nam trên cùng một đơn vị diện tích có thể cao hơn gấp 5 đến 6 lần giống lúa thơm các nước.

Ngoài việc khảo nghiệm, đưa ra nhân rộng, được nông dân chấp nhận, thị trường ưa chuộng, kỹ sư Hồ Quang Cua còn thường xuyên đem hạt gạo ST tham gia những cuộc thi “Gạo ngon,” “Cơm nào ngon hơn,” “Cơm ngon thương hiệu Việt”… tại các cuộc triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá cho lúa thơm ST và những giống lúa ST như: ST19, ST24.

Gạo ST 25 có hạt gạo dài, trắng trong
Gạo ST 25 có hạt gạo dài, trắng trong

Trong xu hướng nâng cao chất lượng gạo đặc sản Sóc Trăng để xây dựng thương hiệu, nhóm nghiên cứu đã lập trình những tổ hợp lai gồm nhiều đời bố mẹ có gene thơm, tạo ra những phẩm chất rất đặc biệt, xen lẫn mùi thơm dứa nên người tiêu dùng sẽ cảm nhận được hương vị khác của lúa thơm Sóc Trăng.

Trở thành loại gạo ngon nhất thế giới

Hai năm trước, gạo ST24 của Sóc Trăng lọt vào Top 3 “Gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo tổ chức tại Macau (Trung Quốc). Tại Hội nghị Thương mại Gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila diễn ra từ ngày 10-13/11/2019, Hiệp hội Lương thực Việt Nam chọn 2 loại gạo ST24 và ST25 của ông Cua và các cộng sự tham dự.

Theo ông Cua, ngoài việc nộp 2 túi gạo, mỗi túi 2kg kèm bảng mô tả 200 chữ, ông còn ghi tỉ lệ nước, gạo bao nhiêu là phù hợp để nấu cơm ngon. Ban giám khảo là những đầu bếp chuyên nghiệp, đẳng cấp trên thế giới. Ngoài yếu tố chất lượng, Ban giám khảo còn cho điểm hình thức.

Cúp gạo ngon nhất thế giới 2019
Cúp gạo ngon nhất thế giới 2019

Kết quả là cả 2 loại gạo ST 24 và ST 25 đều lọt vào tốp đầu thế giới, nhưng Ban giám khảo chọn ST25 để trao giải nhất. “Thành tích này là của tập thể; trong đó, vai trò của tiến sỹ Phương và thạc sỹ Hương là rất quan trọng” – “cha đẻ” của những dòng lúa ST và giống lúa ST25 khiêm tốn cho biết.

Gạo nhái, gạo giả “ăn theo” gạo ST 25

Gạo ST25 cùng với ST24 trước đó của Sóc Trăng được sản xuất, lai tạo từ giống lúa thơm nổi tiếng của vùng đất Sóc Trăng nhiều năm liền là gạo ngon nhất trong các hội thi cấp tỉnh, cấp vùng.

Đến nay, những giống lúa này đã được sản xuất rộng rãi trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương khác trong cả nước. Lúa được sản xuất theo quy trình sạch và chế biến gạo theo dây chuyền hiện đại, công nghệ của Thụy Sĩ, với mục tiêu “3 không” là không hàm lượng: cadimi, aflatoxin; không dư lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ; không dùng hóa chất tạo mùi.

Việc được công nhận là giống lúa/gạo ngon nhất thế giới, ST 25 đã tạo sức hút mạnh mẽ trên thị trường trong nước với nhiều mức giá, phổ biến ở mức từ 20.000 – 28.000 đồng/kg nhưng cũng không có để bán. Đến thời điểm này cơn sốt gạo ST25 vẫn chưa hạ nhiệt, thậm chí nhiều người còn tìm mua loại gạo này làm quà Tết khiến cho gạo ST 25 trở nên sốt hàng và xuất hiện loại gạo ‘nhái’ ST25.

Hiện người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh đang rất hoang mang và khó phân biệt gạo ST25 thật hay giả. Bởi chỉ cần ra chợ truyền thống hoặc tìm mua gạo ST25 trên các trên mạng Internet đều thấy rao bán gạo ST 25 với nhiều loại bao bì và giá khác nhau. Có một số trang web còn đẩy giá gạo ST 25 lên mức từ 35.000-45.000 đồng/kg, cao hơn gạo ST25 chính thống từ 8.000-20.000 đồng/kg.

Nguyên nhân gạo nhái, gạo gải hoành hành

Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, sở dĩ có tình trạng nhái sản phẩm gạo ST25 là do việc làm “giấy khai sinh” cho một giống lúa khá chặt chẽ, kéo dài khiến việc chứng nhận bản quyền cho một giống gạo mới cũng chậm. Vì chậm nên nhiều doanh nghiệp lợi dụng sơ hở chưa có chứng nhận “chủ quyền” với loại gạo mới để tung ra thị trường các loại gạo tương tự giống loại gạo đang “hút hàng” như ST 25.

Hiện loại gạo ST25 chỉ có doanh nghiệp Hồ Quang Trí ở Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp với số lượng có hạn và đến nay doanh nghiệp chỉ phân phối cho các đại lý chính thức thì rất khó có nhiều gạo ST 25 để bán tràn lan trên thị trường.

Chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, giáo sư Võ Tòng Xuân khẳng định việc gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới có thể được xem là cơ hội vàng cho thương hiệu gạo Việt Nam vươn ra thế giới.

Cần mạnh tay hơn trong việc xử lý tình trạng vi phạm bản quyền

Tuy nhiên, cơ quan chức năng các địa phương cần mạnh tay hơn trong việc xử lý tình trạng vi phạm bản quyền các giống gạo ngon của Việt Nam.

Việc sản xuất và kinh doanh giống lúa nhái thương hiệu các giống lúa nổi tiếng; trong đó có giống ST 25, sẽ gây những hậu quả là hạt gạo sẽ không ngon, không thơm như quảng cáo… nên người tiêu dùng sẽ không tin và không mua giống lúa này để gieo trồng.

Giáo sư Võ Tòng Xuân đề nghị, để gạo ST 25 ngon nhất thế giới đứng vững ở thị trường trong nước và thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cần vào cuộc để giữ vững vị trí gạo ST 25 ngon nhất trên trường quốc tế.

Cơ hội vươn tầm thế giới

Trong chuyến làm việc tại Sóc Trăng mới đây, ghi nhận thành tích của nhóm lai tạo giống lúa ST25, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã tặng Bằng khen cho kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự.

Bộ trưởng cũng hoan nghênh Sóc Trăng đã biến nguy cơ biến đổi khí hậu thành cơ hội. Theo Bộ trưởng, mô hình lúa-tôm Sóc Trăng đang triển khai là mô hình bền vững và hiệu quả nên tỉnh cần tập trung xây dựng thương hiệu lúa thơm Sóc Trăng, sớm hoàn thiện lại Đề án lúa đặc sản; trong đó xác định vùng chuyên sản xuất hai giống lúa ST24 và ST25.

Sóc Trăng cần coi mô hình tôm-lúa là sản phẩm chuyên biệt của địa phương. Xây dựng thương hiệu tôm, thương hiệu gạo (sản phẩm kép) từ mô hình tôm-lúa…

Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng cũng cho rằng sự kiện giống lúa ST 25 đạt giải “gạo ngon nhất thế giới” là niềm tự hào của gạo Việt, là điều kiện, mở ra một cơ hội rất lớn cho gạo chất lượng cao của Việt Nam nói chung và của tỉnh Sóc Trăng nói riêng vươn tầm thế giới.

Giống lúa ST 25 cần được phát triển, nhân rộng

Sóc Trăng xác định giống lúa ST25 cần được phát triển, nhân rộng ở tất cả các vùng có đủ điều kiện trồng, không riêng ở Sóc Trăng. Đồng thời, gạo ST25 cần được mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Trước mắt, tỉnh chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường tăng cường chống gian lận thương mại; sớm quy hoạch vùng trồng, vùng sản xuất giống, vùng sản xuất lúa gạo thương phẩm…

Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm, năm 2019, diện tích sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt 177.000 ha, sản lượng lúa đặc sản ước đạt trên 1 triệu tấn, tăng trên 20% so với mục tiêu của Đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2012-2020.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đặc cách giống lúa thơm ST 25

Năm 2010, Sở đã đăng ký nhãn hiệu gạo thơm ST cho 2 nhóm sản phẩm và hiện nay nhãn hiệu gạo thơm đã được giao cho doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí sử dụng theo quy định. Những năm gần đây, giống lúa ST ngày càng được nông dân nhân rộng; trong đó giống ST25 hàng năm được gieo cấy hơn 10.000 ha.

Với thương hiệu được vinh danh lần này, sắp tới tỉnh sẽ quy hoạch vùng trồng lúa ST, chú trọng nhân rộng mô hình lúa hữu cơ ST24, ST25 ở các địa phương có ưu thế như ở địa bàn thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị và vùng tôm-lúa huyện Mỹ Xuyên. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại đối với gạo ST24, ST25 để đưa gạo thơm Sóc Trăng ngày càng vươn xa.

Một tin vui với nhóm tác giả lai tạo giống ST 25 và người nông dân Sóc Trăng là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã ký Quyết định số 5052/QĐ-BNN-TT công nhận đặc cách giống lúa thơm ST25 do nhóm tác giả kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sỹ Trần Tấn Phương và Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hương nghiên cứu, chọn tạo.

Mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

ST 25 đạt giải nhất trở thành gạo ngon nhất thế giới mới chỉ là bước khởi đầu cho chiến lược dài hơi là nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Do đó, chuyện của hạt gạo ST bây giờ không còn là của riêng nhóm nghiên cứu, hay của tỉnh Sóc Trăng, mà là câu chuyện của cả ngành lúa gạo Việt Nam, nếu muốn hạt gạo ST nói riêng đi xa hơn, được người tiêu dùng chấp nhận, có giá trị cao trên thị trường xuất khẩu lúa gạo thế giới.

Theo Trung Hiếu (Cơ quan thường trú TTXVN tại Sóc Trăng)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button